CHIA SẺ

Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2023

TÌM HIỂU CÁC LOẠI SÂU BỆNH VÀ CÁCH PHÒNG BỆNH CHO CÂY DỪA XIÊM LÙN ĐỎ

Dừa Xiêm Lùn Đỏ là giống cây trái được trồng nhiều tại các tỉnh Nam Bộ nước ta. Cách chăm sóc Cây Dừa Xiêm Lùn Đỏ nhìn chung khá đơn giản, chỉ khó khăn ở giai đoạn chăm sóc sâu bệnh. Muốn chăm sóc được cây bị sâu bệnh gây hại, trước hết chúng ta cần tìm hiểu các loại sâu bệnh và cách phòng bệnh cho Dừa Xiêm Lùn Đỏ


Tìm hiểu các loại sâu bệnh và cách phòng bệnh cho Cây Dừa Xiêm Lùn Đỏ

1. Bọ Dừa

Ấu trùng Bọ Dừa cạp biểu bì trên mặt lá theo từng hàng song song với gân chính. Biểu hiện là vết cắn hẹp có màu nâu, sau đó khô, héo, cong queo, khiến lá giảm khả năng quang hợp, làm giảm năng suất, thậm chí có thể làm cây chết.

Cách phòng trị:

– Cắt, đốt bỏ đọt non bị hại nặng để tránh lây lan.

– Sử dụng Ong ký sinh Tetretichus Brontispae hoặc nấm ký sinh Metarhizium anisopliae là biện pháp sinh học an toàn, hiệu quả cao.

– Sử dụng thuốc hóa học như: Fastac, Sumicidin, Actara, … để phun lên các bó đọt non của cây.

2. Kiến Vương

Khi cây khoảng 2 năm tuổi trở lên là thời điểm thích hợp nhất cho Kiến Vương tấn công cây. Giai đoạn ấu trùng phá hoại Dừa, còn các giai đoạn khác thì không. Ấu trùng đục phá phần mô mềm ở cuối bẹ lá, phá đọt non, hoa Dừa lúc chưa trổ. Kiến Vương có thể làm Cây Dừa Xiêm Lùn Đỏ bị kìm hãm sinh trưởng, thậm chí là bị chết.


Kiến Vương hại Cây Dừa Xiêm Lùn Đỏ

Cách phòng trị:

Cần phải thăm vườn thường xuyên để phát hiện vết đục của Kiến Vương, sử dụng móc sắt để bắt, cuối cùng là đất sét trám bít lỗ đục để phòng ngừa Kiến Vương và các loại khác xâm nhập.

Không để rơm, rạ mục xung quanh vườn, trồng xen các cây ngắn ngày, các Cây Họ Đậu, Cây Ca Cao, …để hạn chế tầm bay của Kiến Vương.

3. Đuông dừa

Chỉ gây hại ở giai đoạn ấu trùng. Trùng đẻ trứng vào các lỗ đục của Kiến Vương, dưới gốc Dừa.

Cách phòng trị:

Thăm vườn thường xuyên để phát hiện sớm khi ấu trùng còn ở tuổi 1, tuổi 2. Dùng đục sắt khoét lỗ đục để bắt ấu trùng. Sau đó sử dụng thuốc hạt như Basudin 3G và nước vôi tươi đổ vào lỗ. Hạn chế tối đa việc gây vết thương trên thân Cây Dừa hoặc sự tấn công của Kiến Vương. Xen canh hợp lý với loại cây trồng khác.

4. Bọ Xít Trái Amblypelta sp

Ấu trùng đều chích hút ở nụ hoa, trái non và tiết ra độc tố vào vết chích, làm cho trái non rụng đi, Dừa bị sẹo nhăn nheo hoặc bị chảy mủ ra ngoài, gọi là Dừa mủ.

Cách phòng trị:

Vệ sinh vườn thông thoáng, trồng cây đúng khoảng cách, nuôi Kiến Vàng trong Vườn Dừa vì đây là thiên địch của Bọ Xít.

5. Bệnh đốm lá

Trên chóp lá trở vào xuất hiện những đốm nhỏ màu nâu vàng hình bầu dục, sau đó lớn dần có màu nâu, tâm vết đốm màu xám tro, nhiều vết làm cho lá bị cháy.


Bệnh Đốm Lá trên Cây Dừa Xiêm Lùn Đỏ

Cách phòng trị:

Trồng cây khoảng cách hợp lý. Bón phân đầy đủ, nhất là kali, có thể phun thuốc hóa học như: Ridomil, Novral,…


6. Bệnh thối đọt

Các lá non trên đọt mất màu xanh bình thường, sau đó vàng, khô và trên có mùi hôi, thối, các lá già dần dần vàng, khô và rụng đi khiến cây chết.

Cách phòng trị:

Thăm vườn thường xuyên để phát hiện cây bị nhiễm bệnh. Phun ngay lên đọt bằng thuốc Ridomil liều lượng khoảng 30g/bình 8 lít. Phun liên tục 3 lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày. Cần đốt cây bệnh để ngăn ngừa lây sang cây khác.